Tổng thống Belarus Aliaksandr_Ryhoravič_Lukašenka

Nhiệm kỳ đầu tiên (1994–2001)

Tỉ lệ ủng hộ vòng một cho A. R. Lukašenka trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1994

Thàng 5 năm 1995, đã diễn ra một trong các cuộc bỏ phiếu đầu tiên dưới thời A. R. Lukašenka. Kết quả là không chỉ các biểu tượng quốc gia bị thay đổi mà tiếng Nga còn có được vị thế ngang bằng với tiếng Belarus, Belarus thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Nga.[23] Vào mùa hè năm 1996, 70 trong 199 đại biểu của Quốc hội Belarus đã ký vào một bản kiến nghị buộc tội Lukashenko vi phạm Hiến pháp.[24] Một thời gian ngắn sau đó, một cuộc trưng cầu dân ý lại được tổ chức vào ngày 24 tháng 11 năm 1996 trong đó có bốn câu hỏi được Lukashenko đề xuất và ba câu được một nhóm các thành viên Quốc hội đề xuất.[25] Ngày 25 tháng 11, kết quả đã được công bố, theo đó thì 70,5% số phiếu trong 84% cử tri đi bầu đã chấp thuận một hiến pháp được sửa đổi theo hướng tăng thêm rất nhiều quyền lực cho A. R. Lukašenka. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã từ chối chấp nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý này. Boris Yeltsin, lãnh đạo Nga khi đó, cũng công khai ủng hộ Hoa Kỳ và EU khi cáo buộc Lukašenka "tham quyền cố vị".[26]

Sau cuộc trưng cầu dân ý, A. R. Lukašenka đã triệu tập một hội đồng quốc hội từ các thành viên Quốc hội ủng hộ ông. Sau khi 12 đại biểu rút chữ ký của mình khỏi bản kiến nghị luận tội, quốc hội cũ chỉ còn lại 40 đại biểu, song họ không có nơi để họp, do chính quyền đã đóng cửa tòa nhà quốc hội "để tu sửa". Tuy nhiên, trong một thời gian, Liên minh châu ÂuỦy hội châu Âu vẫn xem tàn dư của quốc hội cũ là hội đồng lập pháp hợp pháp.[27] Vào đầu năm 1998, Ngân hàng Trung ương Nga đã tạm ngừng việc giao dịch bằng đồng Rúp Belarus, khiến đồng tiền này bị sụt giá. A. R. Lukašenka đã phản ứng bằng cách nắm quyền kiểm soát Ngân hàng Quốc gia Cộng hòa Belarus, sa thải toàn bộ ban lãnh đạo ngân hàng và đổ lỗi cho phương Tây về việc giá trị đồng bạc quốc gia rơi tự do. Chính phủ Nga thân phương Tây khi đó cáo buộc Lukašenka âm mưu "kiểm soát bằng bàn tay độc tài".[28]

A. R. Lukašenka đứng cùng V. V. PutinL. D. Kuchma tại Hội chợ Slavianski ở Vitebsk vào năm 2001

A. R. Lukašenka cáo buộc các chính phủ nước ngoài đã âm mưu chống lại ông, và đến tháng 4 năm 1998, ông đã trục xuất các đại sứ khỏi khu liên hợp Drazdy gần Minsk, cấp cho họ một tòa nhà khác. Vụ việc Drazdy đã gây ra sự phản đối quốc tế và khiến Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu áp đặt lệnh cấm đi lại đối với Lukashenko.[29] Mặc dù các đại sứ cuối cùng đã được trở lại khu liên hợp sau khi tranh cãi lắng xuống, A. R. Lukašenka vẫn đẩy mạnh các cuộc khẩu chiến chống phương Tây. Ông tuyên bố rằng các chính quyền phương Tây đã cố gắng làm suy yếu Belarus trên mọi mặt, thậm chí là cả thể thao, trong Thế vận hội Mùa đông 1998 tại Nagano, Nhật Bản.[30]

Khi bùng phát Chiến tranh Kosovo năm 1999, A. R. Lukašenka đã đề nghị Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic về việc Nam Tư gia nhập Liên bang Nga-Belarus.[31] Sau cuộc tấn công Iraq 2003, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã đưa ra một báo cáo mà theo đó thì các sĩ quan phụ tá của Saddam Hussein đã xoay xở để có được hộ chiếu Belarus trong khi đang ở Syria. Đồng thời, báo cáo cũng nói rằng không có vẻ như Belarus sẽ cung cấp một nơi ẩn náu an toàn cho Saddam và hai con trai.[32] Các chính sách đối ngoại của A. R. Lukašenka đã khiến chính quyền các nước Phương Tây có lập trường cứng rắn hơn trong việc chống lại ông. Hoa Kỳ đặc biệt tức giận trước các thương vụ vũ khí giữa Belarus với IranIraq, và các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ ngày càng gọi Belarus là "chế độ độc tài cuối cùng của châu Âu".[33] Liên minh châu Âu quan tâm đến vấn đề an ninh cho nguồn cung khí đốt của họ từ Nga, các đường ống khí đốt phải đi qua Belarus, và đã tích cực quan tâm đến các vấn đề của đất nước này. Tính đến năm 2004, EU và Belarus chia sẻ một đường biên giới dài hơn 1000 km với sự gia nhập mới của Ba Lan, LatviaLitva.[34]

Nhiệm kỳ thứ hai (2001–2006)

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2001 được tổ chức vào ngày 9 tháng 9, các đối thủ của Lukashenko là U. I. HančarykS. V. Hajdukiévič.[35] Trong chiến dịch tranh cử, A. R. Lukašenka đã hứa hẹn sẽ nâng cao trình độ của ngành nông nghiệp, phúc lợi xã hội và gia tăng sản lượng công nghiệp của Belarus.[36] A. R. Lukašenka đã chiến thắng ngay từ vòng đầu tiên với 75,65% số phiếu. Tuy nhiên, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đã cho rằng quá trình bầu cử "không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế".[36] Gerard Stoudmann của ODIHR (Cơ quan Các tổ chức Dân chủ và Nhân quyền) của OSCE thì cho rằng "không có bằng chứng về các mánh khóe hay gian lận".[37] Nga thì công khai hoan nghênh việc A. R. Lukašenka tái đắc cử. Tổng thống Nga V. V. Putin đã gọi điện cho A. R. Lukašenka và gửi một bức điện chúc mừng.[36] Jane's Intelligence thì phỏng đoán cái giá cho việc Nga ủng hộ A. R. Lukašenka trong cuộc bầu cử tổng thống là việc Minsk phải từ bỏ quyền quản lý đối với đoạn đường ống Yamal-châu Âu đi qua Belarus.[38] Năm 2004, một cuộc trưng cầu dân ý đã chấp thuận việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống, cho phép A. R. Lukašenka tiếp tục tái tranh cử vào năm 2006.[39] Belarus đã có tăng trưởng về mặt kinh tế dưới thời A. R. Lukašenka, song phần lớn sự tăng trưởng này là do nước này được quyền nhập khẩu dầu của Nga với giá thấp hơn giá thị trường và sau đó lọc dầu rồi bán lại sang các nước châu Âu khác.[39]

Bầu cử tổng thống năm 2006

Sau khi A. R. Lukašenka khẳng định rằng ông sẽ tái tranh cử năm 2005, các nhóm đối lập đã bắt đầu tìm kiểm một ứng cử viên duy nhất. Ngày 16 tháng 10 năm 2005, vào Ngày Đoàn kết với Belarus, nhóm chính trị Zubr và Con đường Thứ ba Belarus đã khuyến khích tất cả các đảng đối lập tập hợp lại sau một ứng cử viên duy nhất để chống lại A. R. Lukašenka trong cuộc bầu cửa vào năm 2006. Người được họ lựa chọn là A. U. Milinkevič, người này chạy đua với A. R. Lukašenka và các ứng cử viên khác.[40] A. R. Lukašenka đã phản ứng lại bằng việc phát biểu rằng bất cứ ai đi đến các cuộc biểu tình của phe đối lập sẽ bị vặn cổ "như một con vịt".[39] Lúc đó, quan chức Anh William Hague đã tiên đoán rằng "Ông Lukashenko đã sắp đặt các cuộc bầu cử bất hợp pháp và phi dân chủ để mở rộng quyền lực và sự kiểm soát của ông ta đối với người dân".[41] Ngày 19 tháng 3 năm 2006, các tiếp xúc với cử tri sau khi họ bỏ phiếu đã cho thấy A. R. Lukašenka sẽ đắc cử nhiệm kỳ ba với số phiếu lớn. Tổ chức EcooM ước đoán A. R. Lukašenka giành 84,2% số phiếu và A. U. Milinkevič chỉ được 2%, trong khi Liên hiệp Thanh niên Cộng hòa Belarus thì ước đoán Lukašenka được 84,2% số phiếu và Milinkevič được 3,1% số phiếu. Tổ chức Gallup thì lưu ý rằng EcooM và Liên hiệp Thanh niên Cộng hòa Belarus là các tổ chức do chính phủ kiểm soát và cả hai đều công bố kết quả thăm dò của mình trước buổi trưa ngày bầu cử, trong khi cuộc bầu cử chỉ kết thúc vào lúc 8h tối.[42]

Nhà cầm quyền Belarus tuyên bố họ sẽ dẹp yên bất ổn trong trường hợp có biểu tình quy mô lớn hậu bầu cử (giống như đã xảy ra trong Cách mạng Cam tại Ukraina). Mặc dù vậy, người biểu tình đã tập hợp đông đảo sau cuộc bầu cử và là cuộc biểu tình có số người tham gia đông đảo nhất mà phe đối lập tập hợp được trong nhiều năm, với các vụ phản đối ban đêm và các cuộc biểu dương lực lượng tại Minsk. Số người có mặt trong cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử ban đêm lớn nhất là khoảng 10.000 theo ước tính của phóng viên AP.[43] Các quan sát viên bầu cử đến từ Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) có đánh giá khác nhau về cuộc bầu cử tại Belarus.[44] OSCE ra tuyên bố vào ngày 20 tháng 3 năm 2006 rằng cuộc bầu cử tổng thống đã không đáp ứng được tiêu chuẩn về một cuộc bầu cử công bằng của OSCE và A. R. Lukašenka đã sử dụng quyền lực nhà nước để không cho phép người dân được thể hiện ý muốn của họ một cách tự do và công bằng tại hòm phiếu, đe dọa và đàn áp các tiếng nói độc lập."[45] Những người đứng đầu của tất cả 25 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử là "sai sót về cơ bản", ngược lại, Ngoại trưởng Nga tuyên bố rằng, "Một thời gian dài trước cuộc bầu cử, Văn phòng Các tổ chức Dân chủ và Nhân quyền của OSCE đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử sẽ không hợp pháp và cơ quan đã khá thiên vị trong tường thuật về tiến triển và kết quả của cuộc bầu cử, do đó đóng một vai trò xúi giục."[46]

A. R. Lukašenka sau đó đã tuyên bố rằng ông đã gian lận trong kết quả bầu cử chống lại chính mình để có được một con số hợp ý các quốc gia phương Tây. Mặc dù kết quả bầu cử cho thấy rằng ông đã giành được 93,5% số phiếu, song ông đã chỉ đạo cho chính phủ thông báo kết quả là 86%. Ông lưu ý rằng, điều này vẫn không làm hài lòng các nhà phê bình nước ngoài.[47] Một số người dân tộc chủ nghĩa Nga, chẳng hạn như D. O. Rogozin và Phong trào chống nhập cư bất hợp pháp, đã tuyên bố rằng họ muốn thấy A. R. Lukašenka trở thành Tổng thống Nga vào năm 2008. A. R. Lukašenka đã cho biết rằng ông sẽ không chạy đua vào chức Tổng thống Nga; nếu sức khỏe của mình vẫn tốt, ông sẽ tái tranh cử tổng thống Belarus vào năm 2011.[48]

Nhiệm kỳ thứ ba (2006–2011)

Tháng 9 năm 2008, Belarus đã tổ chức bầu cử quốc hội. Lukashenko đã cho phép một số ứng cử viên đối lập tranh cử, mặc dù kết quả chính thức cho thấy các thành viên đối lập đã không giành được ghế nào trong 110 ghế tại quốc hội. Cuộc bầu cử này bị các thành viên đối lập và những người ủng hộ họ phản đối vì cho rằng nó "không hoàn thiện".[49] Theo phái đoàn quan sát bầu cử của SNG đặt tại Nizhny Novgorod,[50] các cuộc bầu cử tại Belarus phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.[51] Tổng thống Lukashenko sau đó nhận xét rằng phe đối lập ở Belarus có tài trợ từ nước ngoài.[52]

Tháng 4 năm 2009, ông đã hội đàm với Đức Giáo hoàng Giáo hoàng Bênêđictô XVI tại Vatican, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông đến Tây Âu sau một thập kỷ bị Liên minh châu Âu áp lệnh cấm đi lại.[53]

Bầu cử tổng thống 2010

Lukashenko là một trong mười ứng cử viên của cuộc bầu cử tổng thống Belarus tổ chức vào ngày 19 tháng 12 năm 2010. Mặc dù ban đầu cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào năm 2011, song ngày bầu cử đã được đẩy sớm lên để "bảo đảm sự tham gia tối đa của các công dân trong chiến dịch tranh cử" và là "thời gian thuận tiện nhất đối với các cử tri'.[54] Chiến dịch tranh cử có điểm lạ thường khi một loạt các phương tiện truyền thông Nga tấn công ứng cử viên Alexander Lukashenko.[55] Ủy ban Bầu cử Trung ương cho biết rằng tất cả chín ứng cử viên đối lập có khả năng chỉ giành được ít hơn một nửa số phiếu mà ứng cử viên Lukashenko giành được.[56]Song các nhân vật đối lập cho đây là sự hăm dọa[57] và "trò gian trá bẩn thỉu", cuộc bầu cử được xem là tương đối cởi mở trong bối cảnh Belarus mong muốn cải thiện quan hệ với cả châu Âu và Hoa Kỳ.[56]

Vào ngày bầu cử, hai ứng cử viên tổng thống đã bị cảnh sát đánh đập[7] trong các cuộc biểu tình phản đối khác nhau.[58][59][60] Vào đêm bầu cử, những người biểu tình phản đối đã cố gắng xông vào tòa nhà của chính phủ Belarus, đập vỡ các cửa sổ và cửa ra vào trước khi cảnh sát chống bạo động có thể đẩy lui được họ.[61] Số người biểu tình được các hãng tin tức lớn tường thuật là khoảng hoặc trên 10.000 người.[62][63][64][65][66][67][68] Hàng trăm người phản đối kết quả bầu cử đã bị bắt giữ, trong đó có ít nhất bảy ứng cử viên tổng thống.[7] Ủy ban Bầu cử Trung ương tuyên bố rằng Lukashenko đã chiến thắng với 79,65% số phiếu (ông giành được 5.130.557 phiếu) trong 90,65% số cử tri đi bầu.[69] Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu coi cuộc bầu cử là "không hoàn thiện" trong khi phái đoàn của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập thì ca ngợi cuộc bầu cử là "tự do và minh bạch".[70] Một vài ngoại trưởng châu Âu nhận xét cuộc bầu cử và các cuộc biểu tình phản đối bầu cử là "bước lùi đáng tiếc trong sự phát triển của quản trị dân chủ và tôn trọng nhân quyền tại Belarus."[71] Tuy nhiên, OSCE cũng lưu ý rằng đã có một số cải tiến trong thời gian bầu cử, bao gồm việc các ứng cử viên được tiến hành các cuộc tranh luận trên truyền hình và truyền tải các thông điệp của họ mà không bị cản trở.[72]

Buổi lễ nhậm chức của Lukashenko vào ngày 22 tháng 1 năm 2011 đã bị các đại sứ của các nước Liên minh châu Âu tẩy chay,[73] trong khi các nước bạn bè SNG chỉ cử các quan chức không cao hơn cấp đại sứ.[74] Trong buổi lễ, Lukashenko đã bảo vệ tính hợp pháp của việc ông tái đắc cử và tuyên bố rằng Belarus sẽ không bao giờ là một phiên bản của Cách mạng Cam Ukraina 2004 và Cách mạng Hoa hồng tại Gruzia năm 2003.[73]

Liên minh châu Âu đã nối lại lệnh cấm đi lại đối với Lukashenko từ ngày 31 tháng 1 năm 2011, theo đó Lukashenko và 156 cộng sự của ông sẽ bị cấm đến các nước thành viên EU, lý do là vì chính quyền Lukashenko đã đàn áp bằng bạo lực những người biểu tình ủng hộ phe đối lập sau cuộc bầu cử.[75][76][77]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Aliaksandr_Ryhoravič_Lukašenka http://www.yerevan.am/index.php?page=hon_citizens&... http://www.abc.net.au/news/stories/2003/06/24/8869... http://news.belta.by/en/main_news?id=580390 http://www.mfa.gov.by/eng/index.php?d=publications... http://president.gov.by/en/ http://president.gov.by/press10003.html http://www.president.gov.by/en/ http://www.president.gov.by/en/press10003.html http://www.president.gov.by/en/press35803.html http://www.president.gov.by/press19427.print.html